Làm sao để bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp?
Mỗi hoạt động kinh doanh đều bắt đầu từ một ý tưởng. Hàng triệu doanh nghiệp đang hoạt động hằng ngày trên khắp trái đất đã bắt đầu từ một ý tưởng hình thành trong tâm trí và tìm cách đưa ý tưởng đó đến với người tiêu dùng.

Đa số các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay đều là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong nền kinh tế thị trường với sức ép cạnh tranh hết sức khốc liệt, muốn thành công thì việc doanh nghiệp tạo được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, trong quá trình kinh doanh, chúng ta có thể đối mặt với nhiều vấn đề ảnh hưởng xấu đến mặt hình ảnh như xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, mạo danh thương hiệu… Do đó, bảo vệ thương hiệu luôn được xem là một nội dung quan trọng trong chiến lược thương hiệu bên cạnh việc xây dựng thương hiệu.
Không có định nghĩa nào trong luật nói về thương hiệu, mà theo cách hiểu thông thường thì thương hiệu chính là toàn bộ những dấu hiệu mà người tiêu dùng, khách hàng sẽ nghĩ về một doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả tên doanh nghiệp là gì, có những sản phẩm nổi tiếng nào, chủ doanh nghiệp là ai… Ngoài việc đầu tư vào những yếu tố như chất lượng sản phẩm, cảm nhận của khách hàng thì có ba khía cạnh của thương hiệu mà các doanh nghiệp cần chú ý đó là:
- Nhãn hiệu
Nhãn hiệu là dấu hiệu được dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp này trên thị trường với hàng hoá, dịch vụ của doanh nghiệp khác. Chúng cho phép khách hàng xác định một doanh nghiệp là nguồn cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ.
Nhãn hiệu là cơ sở để tạo nên thương hiệu và danh tiếng của công ty: chúng tạo ra mối quan hệ tin cậy với khách hàng và khẳng định sự chuyên nghiệp. Điều đó cho phép doanh nghiệp thiết lập một tập hợp khách hàng trung thành và nâng cao thiện chí của công ty. Ngoài ra, nhãn hiệu cho phép người tiêu dùng đưa ra quyết định mua hàng vì chúng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng và làm cho sản phẩm nổi bật.
Để được bảo hộ về nhãn hiệu thì doanh nghiệp cần phải đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Việc bảo hộ nhãn hiệu thông qua việc đăng ký có thể giúp doanh nghiệp đạt được những lợi ích như:
- Đăng ký tạo ra độc quyền cho doanh nghiệp để ngăn không cho các công ty khác kiếm tiền từ sản phẩm hoặc dịch vụ giống hệt hoặc tương tự với sản phẩm của bạn.
- Được bảo đảm từ phía nhà nước: Các Cơ quan chức năng như hải quan sẽ kiểm tra và thu giữ hàng giả xâm phạm quyền với nhãn hiệu đã đăng ký của bạn.
- Nhãn hiệu là một trong số các tài sản lâu dài nhất của doanh nghiệp. Một nhãn hiệu đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký có thể tồn tại trong một thời gian rất dài, miễn là nó được sử dụng và gia hạn.
- Một khi nhãn hiệu trở nên nổi tiếng thì doanh nghiệp có thể bán hoặc cho thuê để mang lại nguồn thu nhập tiềm năng.
2. Tên thương mại
Tên thương mại chính là tên của doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh, trong các giấy tờ giao dịch, biển hiệu, sản phẩm, hàng hoá, bao bì hàng hoá và quảng cáo.
Nếu nhãn hiệu được sử dụng để phân biệt các sản phẩm, hàng hoá thì tên thương mại dùng để phân biệt các doanh nghiệp với nhau và khác với nhãn hiệu, quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng mà không cần thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ.

Việc đăng ký tên gọi của tổ chức, cá nhân kinh doanh như thành lập công ty, hộ kinh doanh… trong thủ tục kinh doanh không được coi là thủ tục đăng ký tên thương mại tuy nhiên là điều kiện để sử dụng cũng như căn cứ để bảo vệ quyền sở hữu. Khi tham gia hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp cần nên thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm để kịp thời ngăn chặn các chủ thể khác sử dụng tên thương mại của mình.
3. Kiểu dáng công nghiệp, sáng chế
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. Bất kể là sản phẩm, từ đồ gia dụng, ô tô và thiết bị liên lạc đến thiết bị chiếu sáng, bao bì và hộp đựng, kiểu dáng công nghiệp chính là một trong số các yếu tố chính thu hút người tiêu dùng đến với một sản phẩm hoặc khiến cho họ thích sử dụng sản phẩm này hơn sản phẩm kia.

Sáng chế là sản phẩm, quy trình công nghệ, do con người tại ra chứ không phải là những gì (đã tồn tại trong thiên nhiên) được con người phát hiện ra. Các dạng sáng chế điển hỉnh như: máy móc, chất mới, vật liệu sinh học mới, cách phương pháp mới đã đem lại sự nổi tiếng và giàu có vượt bậc cho những cá nhân, doanh nghiệp như Apple, Inc (IPhone), Alfred Nobel (thuốc nổ TNT)…
Tương tự như nhãn hiệu, để được bảo hộ về kiểu dáng công nghiệp và sáng chế thì doanh nghiệp cần phải đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.